Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là phương pháp với tiến trình giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác. Montessori bắt đầu phát triển phương pháp và triết lý giáo dục của mình vào năm 1897. Năm 1907, Bà mở lớp học đầu tiên của mình mang tên Casa dei Bambini, hay còn gọi là Children’s House (Ngôi Nhà Trẻ Thơ) tại một khu căn hộ nằm ở thủ đô Roma.
Montessori chia sự phát triển của con người ra làm bốn giai đoạn, từ lúc mới sinh đến 6 tuổi, từ 6 -12 tuổi, từ 12-18 tuổi và từ 18-24 tuổi. Mỗi giai đoạn có những đặc trưng không giống nhau và tương ứng là các phương pháp tiếp cận giáo dục khác nhau cho từng giai đoạn
Môi trường giáo dục của Montessori: là nơi học sinh được tự do hoạt động trong một ‘môi trường được chuẩn bị’ – được thiết kế phù hợp với đặc trưng phát triển cơ bản của con người nói chung và tính cách mỗi cá nhân nói riêng ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Môi trường đó cho phép trẻ phát huy tính độc lập ở tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu hướng phát triển tâm lý bên trong trẻ. Ngoài yếu tố tiếp cận dễ dàng với các học cụ Montessori theo từng lứa tuổi, môi trường Montessori còn phải thể hiện được các tiêu chí dưới đây:
- Xây dựng phù hợp với nhu cầu của trẻ
- Đẹp, hài hòa, sạch sẽ
- Có tính trật tự
- Có sự sắp xếp hợp lý giữa các hoạt động
- Các học cụ mang tính chuyên biệt, giúp tạo sự phát triển toàn diện của trẻ
Montessori mang lại những kỹ năng sau cho trẻ:
- Giúp trẻ có các kỹ năng cần thiết từ sớm: vệ sinh cá nhân, giúp ba mẹ chuẩn bị đồ ăn, dọn dẹp nhà cửa, mặc quần áo,…
- Kích thích sự phát triển của các giác quan, trẻ học và chơi bằng sự kết hợp của cả 5 giác quan, giúp trẻ phát triển tối đa sự sáng tạo và khả năng tìm tòi, khám phá.
- Đặc biệt trẻ được phát triển khả năng ngôn ngữ của mình, trẻ được làm quen với chữ bằng các hoạt động nhận biết mặt chữ, hoạt động đánh vần, học ngữ pháp và đến tập viết.
- Giáo dục trẻ tính nhân văn, hình thành đạo đức, tình cảm, biết cảm thông chia sẻ, biết yêu thương.
- Ngoài ra, trẻ sẽ được phát triển tư duy logic bằng những bài học làm quen với con số, hình học, các môn học văn hóa như lịch sử, địa lý, âm nhạc…, từ đó tự có suy nghĩ độc lập.
Mỗi phương pháp học đều có những điểm hay và những điểm chưa phù hợp với từng bé, việc lựa chọn hình thức giáo dục cho con là hết sức quan trọng. Không có phương pháp giáo dục nào là tối ưu, việc của phụ huynh là cần tìm ra phương pháp nào phù hợp với điều kiện và tính cách bẩm sinh của con. Bạn cũng có thể tham kháo thêm về: Phương pháp giáo dục Reggio Emilia.